Quy trình nhận bài, xuất bản và Chu kỳ phát hành

I. Quy trình xuất bản tại Tạp chí Y học Lâm sàng (Journal of Clinical Medicine- JoCM)

1. Nhận bài

Nhận bản thảo bài báo thông qua: 

2. Sàng lọc

  • Thư ký biên tập sẽ sàng lọc các bài nhằm đảm bảo các quy định của tạp chí về phạm vi, chủ đề, định dạng/cấu trúc, và đạo đức nghiên cứu (trong vòng 1 tuần)
  • Thông báo về tình trạng của bài báo:
    • Bài báo không được chấp nhận
    • Bài báo cần chỉnh sửa trước khi gửi phản biện
    • Bài báo sẽ được gửi đi phản biện

3. Phản biện

  • Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được Tổng biên tập phân công sẽ xác định các chuyên gia phù hợp tham gia phản biện cho mỗi bài báo
  • Thư ký gửi thư tới các chuyên gia mời phản biện bản thảo bài báo.
  • Thư ký gửi bản thảo bài báo và biểu mẫu nhận xét bản thảo bài báo cho các chuyên gia đồng ý phản biện
  • Mỗi bản thảo bài báo được gửi cho 02 chuyên gia phản biện độc lập (sau khi đã xóa thông tin về tác giả). Nội dung của bản thảo bài báo được giữ bí mật, các phản biện không chia sẻ các thông tin về bản thảo bài báo với bất cứ ai mà không có sự cho phép trước của Tổng biên tập.
  • Chuyên gia phản biện sẽ gửi lại cho Tạp chí (Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được Tổng biên tập phân công và thư ký) bản nhận xét trong vòng 2 tuần sau khi tiếp nhận.
  • Khuyến nghị các chuyên gia phản biện sử dụng các công cụ chuẩn được các nhà khoa học trên thế giới sử dụng, bao gồm:
    • Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: CONSORT
    • Nghiên cứu quan sát: STROBE
    • Nghiên cứu tổng quan hệ thống hoặc phân tích gộp: PRISMA
    • Báo cáo ca bệnh hoặc trùm ca bệnh: CARE
    • Các loại thiết kế khác: Tham khảo tại https://www.equator-network.org/
  • Chuyên gia phản biện đánh giá bài báo theo một số khía cạnh sau (không chỉ hạn chế các khía cạnh này):
    • Chủ đề nghiên cứu có quan trọng, có tính mới và được sự quan tâm của cộng đồng không?
    • Mục tiêu nghiên cứu được xác định rõ ràng không?
    • Phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khoa học (đảm bào tính giá trị và độ tin cậy) và phù hợp để đạt được mục tiêu nghiên cứu không?
    • Kết quả nghiên cứu được trình bày rõ ràng không?
    • Kết quả nghiên cứu được giải thích và bàn luận hợp lý dựa trên các kiến thức hiện có không?
    • Các hạn chế và giả định được trình bày rõ ràng không?
    • Kết luận, khuyến nghị có hợp lý và được dựa trên kết quả nghiên cứu không?
    • Tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu?
    • Các nhận xét cụ thể khác
    • Kết luận về bản thảo theo 1 trong các tình huống: 1) Đồng ý cho đăng, không cần chỉnh sửa; 2) Đồng ý cho đăng, cần chỉnh sửa, không cần phản biện lại; 3) Đồng ý cho đăng, cần chỉnh sửa, phản biện lại; 4) Không đồng ý cho đăng.

4. Xử lý kết quả phản biện

  • Bài báo được hai phản biện đồng ý
    • Thư ký thông báo với tác giả về ý kiến của phản biện (ẩn danh).
    • Tác giả chỉnh sửa bản thảo bài báo dựa trên góp ý của 2 phản biện và gửi lại bản thảo đã chỉnh sửa và ý kiến phản hồi ý kiến phản biện cho thư ký trong vòng 2 tuần
    • Trong trường hợp tác giả chưa đồng thuận với ý kiến của phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo được một phản biện đồng ý, một phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo đến tác giả về ý kiến của 2 phản biện và gửi bài báo đến phản biện thứ 3 (đảm bảo việc ẩn danh).
    • Nếu bài báo được phản biện thứ 3 đồng ý đăng thì tiến hành quy trình như bài báo được hai phản biện đồng ý.
    • Trong trường hợp có các ý kiến khác nhau của các phản biện thì thư ký báo cáo Tổng biên tập quyết định.
  • Bài báo có 2 phản biện không đồng ý
    • Thư ký thông báo kết quả phản biện cho tác giả và bài báo không được xem xét xuất bản.

5. Kiểm tra đạo văn:

Các bản thảo sau khi được các phản biện đồng ý sẽ được tiến hành kiểm tra đạo văn bằng các phần mềm kiểm tra đạo văn (Sử dụng phần mềm iThenticate). Các bản thảo có mức tương đồng cao hơn mức cho phép >20% hoặc có đoạn văn giống từ 100 từ trở lên sẽ từ chối tiếp tục quy trình xuất bản. Ngoài ra, các tác giả của bài báo sẽ bị cấm tiếp tục gửi bài cho Tạp chí Y học lâm sàng trong các số tiếp theo.

6. Biên tập kỹ thuật

  • Bài báo đã được các phản biện đồng ý và tác giả hoàn thành việc chỉnh sửa được biên tập kỹ thuật và xếp số. Việc xếp số thực hiện theo nguyên tắc: Theo trình tự thời gian bài báo được nhận đăng; Theo các nhóm chủ đề, nội dung, loại bài báo.
  • Thư ký biên tập tập hợp bài/ảnh chuyển cho bộ phận thiết kế/người dàn trang.
  • Người thiết kế/người dàn trang sẽ gửi bản bông cho thư ký biên tập rà soát, chỉnh sửa.
  • Thư ký biên tập trình Tổng Biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công duyệt bản cuối.

7. In ấn và phát hành

  • Bản duyệt cuối (Tổng Biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công duyệt) sẽ được chuyển cho nhà in.
  • Mỗi số Tạp chí in 100 cuốn, mỗi cuốn khoảng 75-120 trang.
  • Tạp chí được phát hành định kỳ 01 số/1,5 tháng (08 số/năm trong đó có 6 số tiếng Việt, 2 số tiếng Anh).

Ghi chú: Tác giả có thể liên hệ với Tạp chí để xin xác nhận tình trạng của bài báo.

II. Truy cập thông tin bài báo toàn văn

Tạp chí Y học lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai chưa triển khai hình thức truy cập mở, bạn đọc cần phải liên hệ với Ban Thư ký Tạp chí để lấy mã code truy cập toàn văn bài báo.

Việc này đảm bảo tính bảo mật của thông tin y học quan trọng, ngăn chặn việc truy cập trái phép hoặc lạm dụng dữ liệu y tế. Ngoài ra, quy trình này cũng giúp tạo ra một cơ chế kiểm soát và quản lý đáng tin cậy hơn đối với việc sử dụng tài liệu từ tạp chí, đảm bảo rằng chỉ những người có quyền truy cập và quan tâm đến lĩnh vực y học cụ thể mới có thể tiếp cận nội dung đầy đủ của các bài báo.

Tin tức liên quan

Nhà tài trợ và đối tác